Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, Việt Nam, bao gồm
ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát ả
đào.
Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ
trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền phát tán thành một dòng dân gian
chuyên nghiệp là hát Ả đào và vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh,
thì kinh đô Phú
Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn
ở Đàng Trong
phát tán thành một lối gọi là ca Huế
(gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế,
một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến
trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ
Thăng Long đến Phú Xuân-Huế.
Ca Huế mang sắc
thái địa phương rõ nét bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm ngữ điệu của giọng
nói xứ Huế, hoặc nói một
cách khác mang tính hệ quả là do mối quan hệ gắn bó với nền âm nhạc dân gian -
dân ca xứ Huế. Đây là một đặc điểm trong tiến trình phát triển của Ca Huế và
cũng là một đặc điểm của nền âm nhạc cổ truyền xứ Huế; nơi mà hai thành phần âm
nhạc: chuyên nghiệp bác học (nhã nhạc Cung đình, ca Huế),
thành phần dân gian (dân ca: hò,
lý...) thường xuyên tác động qua
lại, gắn bó, thâm nhập, thúc đẩy lẫn nhau với hiện tượng dân gian hóa ở âm nhạc
bác học và bác học hóa ở âm nhạc dân gian xảy ra liên tục trong quá trình phát
triển.
Dù Ca Huế mang rõ
nét tính chất đặc thù địa phương nhưng nó đã không chỉ bó hẹp trong một xứ Huế.
Ngoài yếu tố đặc thù và một số đặc điểm vốn có của mọi thể loại nhạc cổ truyền
thì nghệ thuật Ca Huế vẫn là khởi nguyên từ văn hóa nghệ thuật cội nguồn Thăng Long, hội tụ
từ truyền thống văn hóa âm nhạc dân tộc. Vì vậy trong giai đoạn thịnh đạt đã
lan tỏa trở lại với cội nguồn, thâm nhập và trở thành một thành phần tương hợp
trong hầu hết dân ca vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Chẳng hạn: hơi Huế, giọng Lý, giọng
Kinh ở khối giọng Vặt, giọng Ngoại trong hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát
Chèo v.v. Hướng phát triển về phía Nam của Ca Huế thì rõ ràng đã sản sinh ra lối
nhạc tài tử như nhà nghiên cứu Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét: "lối
"nhạc tài tử" trong Nam là con đẻ của lối "ca Huế" miền
Trung".
Nói là Ca Huế gắn
với ngữ âm của giọng nói Xứ Huế, mà giọng Huế thì không chuẩn như Hà Nội trong
vấn đề xử lý các dấu giọng, nên với đặc tính "cạn và hẹp" giọng nói
Huế đã để lại dấu vết trong đường nét giai điệu Ca Huế một tính chất đặc hữu,
khác với dân ca nhạc cổ từ đèo Ngang trở ra và từ Hải Vân trở
vào. Tuy vậy một số nhà nghiên cứu còn căn cứ vào sự giao thoa ảnh hưởng của
các truyền thống văn hóa khác trong lịch sử văn hóa Việt Nam cho rằng: điệu Nam
trong ca Huế do ảnh hưởng nhạc Chăm mà có.
Ca Huế không phải
là nhạc cung đình triều Nguyễn nhưng cũng không thuộc loại nhạc dân gian".
Với một hệ thống bài bản phong phú, cấu trúc phức tạp nhưng chặt chẽ, hoàn chỉnh;
những sắc thái tình cảm tinh tế cùng với những đòi hỏi khá phức tạp đối với ca
công về cách hát, đối với nhạc công về kỷ thuật diễn tấu nhạc cụ, nên ca Huế
thuộc về phạm trù âm nhạc cổ điển, bác học.
Ca Huế có điệu thức
Bắc và bốn sắc thái (quen gọi là hơi): hơi quảng, hơi đảo, hơi thiền, hơi nhạc,
có điệu thức Nam và bốn sắc thái: hơi xuân, hơi thương, hơi ai, hơi oán. Giữa
hai điệu thức Bắc và Nam có một sắc thái trung gian: hơi dựng.
Ca Huế là một thể
loại nhạc hát mang nhiều yếu tố chuyên nghiệp về cấu trúc và phong cách biểu diễn,
nhưng về nội dung âm nhạc của nó thì bộ phận đặc sắc nhất lại chịu ảnh hưởng rõ
rệt của Hò, Lý dân gian.
Ca Huế mặc dù xuất
phát tại cung đình nhưng nguồn gốc lại gắn bó với dân gian. Có thể nói rằng,
trong nền âm nhạc cổ truyền Huế thì ca Huế - bộ phận thứ hai của dòng bác học -
là nhịp cầu nối giữa cung đình và dân gian.