Nằm trên bờ sông Thu Bồn, cách thánh địa Mỹ Sơn không xa.
Trong văn bia Chăm đã lưu danh Kinh thành này dưới cái tên Simhapura - tức Kinh
thành Sư tử.
Simhapura ra đời dưới triều vua Bhadvarman trị vì Chămpa vào khoảng cuối thế
kỷ thứ 4. Tiếc rằng đến nay chúng ta mới trùng tu phần nào về Mỹ Sơn, còn Trà
Kiệu hình bóng về kinh đô cổ xưa về vương quốc Chămpa (hay còn gọi là Lâm ấp) nằm
trên bờ sông Thu Bồn chỉ còn những chân móng tường thành sụp đổ bị chôn vùi
trong đất đá hoặc cô đọng lại trong vài trang sử nhỏ.
Năm 1927 - 1928 dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ học J.Y Claeys, trường Viễn
Đông Bác cổ của Pháp ở Hà Nội (école Francaise Extrême Orient) đã tiến hành cuộc
khai quật khảo cổ học lớn nhất gần mười tháng trời. Điều xác tín qua cuộc khai
quật này hoàn toàn nhất trí với những điều được bộ sử cổ ghi chép về kinh thành
Sư tử cổ xưa trên đất Trà Kiệu. Căn cứ vào nền móng phát hiện, Sinapura có chu
vi khoảng 4km, thành phía tây dài 1700m, thành phía tây bắc - đông nam dài
500m. Mặt trước tòa thành, hướng về đông có nhiều công trình kiến trúc ngự
trên ngọn đồi cao 10m.
Phía Bắc thành, đoạn sông Bà Rén làm thành rào bảo vệ vòng ngoài. Ở điểm
cao khoảng trên 20m là ngọn đồi Bửu Châu án ngữ. Xưa kia đường lên đồi là những
bậc thềm lót đá được trang trí thêm nhiều tượng thú vật, nhiều nhất là tượng
voi, sư tử đứng chầu. Các pho tượng này, ngày nay đã được đưa đến khuôn viên
nhà thờ công giáo Trà Kiệu, một số được chuyển về Bảo tàng Chàm Đà Nẵng. Phía Nam
của thành, dựa hẳn vào nhiều quả đồi sa thạch. Phía Tây có suối đổ về, trên ngọn
con suối này còn sót lại ngọn tháp đẹp có tên là tháp Chiêm Sơn. Tiếc thay ngọn
tháp này cũng bị hủy hoại.
Về điêu khắc đá của Simhapura cổ xưa có thể tìm thấy hình bóng rực rỡ của nó
qua phòng chính giữa của Bảo tàng Chàm Đà Nẵng. Đây là thời cực thịnh của Vương
quốc Chămpa từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 10 – 12 mà cả thành đô Mỹ Sơn và
kinh đô Trà Kiệu đều là minh chứng lịch sử nổi bật nhất. Nói đến Simhapura, trước
đây người ta thường nói đến ngôi đền chính trong Hoàng thành. Mỗi cạnh của nó
dài tới 10m, chiều cao có thể lên tới 40m. Nếu còn đến ngày nay, rõ ràng đây là
ngôi tháp đồ sộ nhất trong hàng kiến trúc Chămpa ở vùng Đông Nam Á. Trong đền
tháp này có một cái bàn thờ lớn hình vuông, mỗi cạnh 3m, cao 1,50m. Trên đó tạo
12 vũ nữ Apsara đứng múa trước dài sen. Bàn thờ đó đã trở thành kiệt tác trong
điêu khắc cổ xưa của thế giới còn lại tới hôm nay. Tất cả các đền thờ ở kinh đô
Trà Kiệu đều thờ thần Siva và Visnu là hai chư thần bảo hộ cho các Vương triều
Chămpa lúc bấy giờ.
Chủ đề nổi bật của Trà Kiệu - Kinh thành Sư tử là các
tượng đá Sư tử với nhiều tư thế sống động : đi, đứng, ngồi, nằm phủ phục, vươn
mình, nhe nanh... mỗi tượng đều có bố cục độc đáo từ hình khối đến sắc thái biểu
cảm trên đôi mắt, khối ngực, bước chân khỏe khoắn, dáng đứng oai vệ... Mặt khác
đây là sự hóa thân công đức của Visnu, vì có lần đấng tối thượng này hóa thành
Sư tử để bảo vệ loài người, bảo vệ chư thần thoát khỏi nanh vuốt của quỷ dữ.
Cũng qua những di chỉ tìm được trong các cuộc khai quật khảo cổ sau này, người
ta đã hình dung được vẻ đẹp kỳ lạ của các kiến trúc Chăm về đền đài, cung điện,
lâu đài, thành quách... đã làm cho kinh đô Trà Kiệu thêm hấp dẫn để trở thành
trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa của Vương quốc Chămpa với các nước láng giềng
như Cămpuchia, Inđônnêxia hồi bấy giờ.
Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện những di chỉ khảo cổ cho thấy khu di tích Trà Kiệu từng là kinh đô của vương quốc Chămpa. Cả một đoạn thành cổ được xây dựng kiên cố với kỹ thuật rất cao đã phát lộ sẽ góp phần rất nhiều vào quá trình nghiên cứu về nền văn minh Chămpa.
Theo báo cáo khảo cổ, thành Trà Kiệu được xây hai bờ bằng gạch chạy song song với nhau ở giữa là đất sét. Thành cổ này được xây dựng khoảng thế kỷ thứ IV-V. Hiện nay, khu vực xung quanh kinh đô Trà Kiệu vẫn còn các bờ thành cổ bao bọc nằm sâu trong lòng đất thuộc các xã Duy Trung, Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Bài toán bảo tồn, phát huy với di tích thành cổ Trà Kiệu không đơn giản
Dân tộc Chămpa góp một nền văn hóa đặc sắc vào di sản văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S. Với một nền văn minh rực rỡ từng được lịch sử ghi chép lại như vương quốc Chămpa, việc các nhà khảo cổ học phát hiện dấu tích của một kinh đô xưa không gây bất ngờ.
Điều bất ngờ, lý thú là thành cổ này được xây dựng bằng gạch và đất sét chìm sâu dưới lòng đất mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay mặc dù đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử cũng như thiên tai và chiến tranh tàn khốc.
Mặc dù bây giờ thành Trà Kiệu chỉ là một phế tích, nhưng đó lại là một di tích khảo cổ học giá trị để nghiên cứu, tìm hiểu về nền văn minh Chămpa và cũng đặt ra thách thức với việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản khảo cổ này.
Di tích khảo cổ của chúng ta có nhiều, nhưng tầm vóc dấu tích cả một kinh đô xa xưa trong lòng đất như thành Trà Kiệu thì mới chỉ có Hoàng thành Thăng Long. Một di sản đã được thế giới công nhận, một di sản cũng vừa được công nhận là Di tích quốc gia. Nhưng đằng sau danh hiệu, là cả một nỗi lo bảo tồn, phát huy giá trị. Nhìn lại Hoàng thành Thăng Long- một di sản nằm giữa Thủ đô mà các nhà quản lý văn hóa, những người làm di sản còn phải chật vật mãi mới giành được sự thống nhất trong quản lý.
Rồi sự vào cuộc của rất nhiều nhà nghiên cứu mới đi đến bài toán tiếp tục khai quật khảo cổ hay dừng lại. Một vấn đề tiếp nữa, khai quật cũng phải có kinh phí, không khai quật tiếp cũng phải có kinh phí bảo tồn.
Giữa Thủ đô còn mất cả chục năm, Hoàng thành Thăng Long mới có diện mạo như hôm nay thì ở một vùng đất nghèo, thiên tai khắc nghiệt như xứ Quảng, cộng với đặc thù di sản là phế tích dễ bị phá hủy và có thể bị tan biến rất nhanh nên việc phát lộ rồi, gìn giữ thế nào để phát huy là vô cùng khó.
PGS.TS Tống Trung Tín từng chia sẻ: “Ở ta chưa có nguồn nhân lực trong bảo tồn di sản dưới lòng đất cũng như trình độ khoa học kỹ thuật chưa đủ để bảo tồn các di tích khảo cổ”. Bởi vậy, bài toán làm cách nào để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thành cổ Trà Kiệu càng không đơn giản.
Trình độ khoa học đã vậy, nguồn nhân lực đã vậy, nhưng một vấn đề nữa là nhận thức của nhiều cấp về di sản còn chưa đúng tầm. Còn nhớ, khi người ta làm đường nối từ Nha Trang về Ninh Thuận, theo thiết kế ban đầu sẽ đi qua một tháp Chăm.
Nhưng nhờ sự đấu tranh của người dân địa phương và các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, tháp Chăm ấy đã được giữ lại. Bây giờ, khi đến Ninh Thuận, ai cũng có thể thấy, một tháp Chăm nằm trơ trọi chỉ cách ngay quốc lộ có vài mét.
Chưa kể sự xói mòn của thiên nhiên mưa nắng, những rung chấn từ việc hàng ngàn lượt xe cộ đi qua mỗi ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của tháp Chăm này. Thế nhưng, nỗi lo vẫn chỉ là nỗi lo. Còn thực hiện thế nào thì những người có tâm huyết với di sản đành bất lực.
Thêm một di sản được phát lộ, niềm vui cũng vừa nhen nhóm. Rồi đây, có thể cả thế giới sẽ lại biết đến và tôn vinh một thành cổ Trà Kiệu? Từ giờ đến đó còn là câu chuyện dài. Nhưng chúng ta có thể hy vọng, bởi như ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết:
“Lâu nay, du khách đến di sản thế giới thánh địa Mỹ Sơn vẫn quan tâm rất nhiều đến thành cổ Trà Kiệu. Sau khi phát hiện dấu tích kinh đô Trà Kiệu, Bộ VHTTDL đã có quyết định công nhận Trà Kiệu là Di tích lịch sử quốc gia. Đây là cơ sở để Sở VHTTDL Quảng Nam có đề án để bảo tồn di tích này. Trong đó, sẽ triển khai xây dựng bộ sưu tập tại khu di tích là những di vật khảo cổ học có liên quan đến thành cổ Trà Kiệu và nền văn hóa Chămpa xưa”.