Translate

Giới Thiệu Về Du Lịch Miền Trung

XÀ LÁCH XOONG

Chẳng biết từ bao giờ, loài rau xà lách xoong (có nơi còn gọi rau liệt) ở Quảng Trị quê tôi đã nức tiếng ở miền Trung và còn vươn xa hơn tới nhiều nước trên thế giới.
Rau Xà Lách Xong 

Nói về loài rau xà lách xoong này, người ta từng ví nó là một loài thực vật chỉ sống phù hợp với môi trường nước chảy. Còn có người lãng mạn và “hào phóng” gán cho loài này một cái tên nữa là: rau trên đá.
Ngày còn thơ, sau khi đưa trâu về chuồng, lũ trẻ chúng tôi thường lao mình xuống dòng suối nằm trong hệ thống giếng cổ của Gio An, Gio Linh để tắm. Con suối trong lành, nước mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông có từ thời nào thì chẳng ai còn nhớ, chỉ biết bên cạnh con suối này là những ruộng rau Hảo Sơn quê tôi. Mùa hè, mẹ tôi thường nấu canh me chua ăn để “giải nhiệt” cái nắng nóng và gió Lào nhưng cứ cách ngày là nhất định có món rau xà lách xoong xào tỏi hoặc luộc chấm nước ruốc Cửa Việt.
Hiện nay hệ thống giếng cổ này đã xếp hạng di tích quốc gia, hàng ngày có nhiều khách du lịch tới tham quan. Giếng bắt nguồn từ mạch nước ngầm của núi đá, có một hệ thống mương dẫn thuỷ từ mạch nước ngầm này tới một cái giếng để tích nước, sau đó từ giếng này có nhiều mương dẫn nước ra ruộng đồng. Dọc theo các mương nước từ vách núi đến ruộng đồng cơ man là đá cuội, hai bên mép mương xanh mướt những nương rau xà lách nằm trộn lẫn trùm mình trong những hòn đá cuội.
Rau xà lách còn được người dân cấy trồng ở những thửa ruộng bậc thang, ruộng này vô vàn là đá cuội, đá trộn lẫn trong đất và nước từ giếng dẫn xuống chảy tràn qua cho đến thửa ruộng thấp nhất. Loài rau này sống phù hợp với dòng nước chảy là vậy. Nước chảy quanh năm kể cả mùa nắng hạn nên rau xà lách xoong quanh năm đều phát triển tốt và người dân quê tôi có thu nhập đều đều từ rau. Cứ sau 20 ngày là thu hoạch một lần, mỗi m2 ruộng có trên 20 bó rau với giá bán ở chợ là 3.000 đồng một bó (giá năm 2011).
Rau xà lách xoong Hảo Sơn đã nổi tiếng từ lâu. Thời phong kiến người ta cung tiến vua đặc sản này và được vua khen. Người Pháp khi cai quản nhà tù Lao Bảo vào đầu thế kỷ 19 đã “ghiền” loài rau này nên cho các tù nhân gánh nước ở sông Sê Pôn lên rồi cho chảy ở một con mương để tiện cho loài rau này phát triển.

Xà Lách Xoong trộn Thịt Bò - Quangtri360.com
Xà Lách Xong trộn Thịt Bò
Ngày nay, khi nhiều người than vãn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các loài rau, người ta hướng đến loài rau sạch thì rau xà lách xoong Hảo Sơn như đã đủ tiêu chuẩn để chọn lựa. Bởi nước suối trong sạch chảy từ vách núi tắm tưới cho loài rau này quanh năm, ngoài ra thuốc trừ sâu hay phân bón sẽ không phù hợp với loài rau này.
Cách chế biến món ăn có rau xà lách xoong cũng khá đơn giản. Một bó rau có thể nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống hay đem xào qua với thịt bò. Riêng món rau xào thịt bò phải đợi khi thịt bò đã chín và thấm gia vị rồi tắt lửa sau đó mới bỏ rau vào, trộn đều làm như vậy ngọn rau chỉ nửa sống nửa chín, ăn rất giòn; ngoài ra nếu nấu loại rau này ở nhiệt độ cao thì sẽ mất đi vitamin.
Yên Mã Sơn

Thịt Trâu Lá Trơng - Lá Trơơng

Đặc sản Quảng Trị, Thịt trâu lá trơng.  Vị ngọt của Thịt Trâu kết hợp với vị cay và mùi thơm đặc trưng của Lá Trơng(Lá Trơơng) tạo nên một hương vị rất hấp dẫn đặc biệt khó quên những ai đã một lần thưởng thức. Nếu đã đến Quảng Trị bạn không nên bỏ qua món Thịt Trâu Lá Trơơng một món ăn độc đáo ở vùng đất nắng gió này.
Thịt Trâu  là món ăn ngon đầy bổ dưỡng và ở mỗi miền có những cách chế biến khác nhau thành những món ngon. Thịt Trâu vị ngọt, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt ... Thịt Trâu có tác dụng chữa bệnh rất hữu ích có thể chữa được chứng phong thấp sưng tê; chứng đau lưng; phù chân. Về mặt sức khoẻ thịt Trâu tốt hơn thịt Bò.



thịt Trâu nướng ăn kèm với lá Trơng rất tuyệt
Thịt Trâu được chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng món Thịt Trâu Lá Trơng ở Quảng Trị thì rất chi đặc biệt.
Món này được chế biến từ loại thịt Trâu non được nhập từ Lào, Trâu non nên thịt thường mềm, ngọt, không dai và được chế biến theo các kiểu chính như: Nướng, Hấp, Xào.. mỗi món có một hương vị độc đáo riêng. Đặc biệt điều làm nên cái độc đáo và sự khác biệt chính là sự kết hợp giữa Thịt Trâu và Lá Trơng (Lá Trơng), một loại cây lá gai thường mọc hoang ở vùng rừng núi Quảng Trị,  Lá Trơng non có mùi thơm, cay rất đặc trưng. Khi ăn vị ngọt của thịt Trâu hòa quyện cùng  vị cay và mùi thơm của lá Trơng tạo nên một hương vị đặc trưng khó quên làm mê mẩn thực khách thưởng thức.


Lá Trơng non cùng với rau Cải
Ở Quảng Trị Thịt Trâu Lá Trơng cũng được chế biến thành nhiều món song có 2 món chính:
Đầu tiên là món nướng: Thịt Trâu xắt thành miếng vừa, tẩm gia vị ướp đợi cho thấm thịt xong dùng vỉ sắt trải lá lốt đều 2 mặt. Xếp thịt Trâu vào vĩ  kẹp lại và nướng trên bếp than hồng cho tới khi lá lốt cháy lớp vỏ bên ngoài, thịt chuyển màu nâu,  mỡ chảy ra phát tiếng xèo xèo, tanh tách. Thịt chín thơm phức đem ra thái thành lát mỏng, bày ra đĩa cùng với một số rau cải, lá Trơng (Lá Trơơng), tiêu ớt xanh. Những thớ thịt chín mềm, ửng hồng bên trong và một màu nâu vàng bao phủ bề mặt thơm phưng phức. Thưởng thức trâu nướng kèm theo Lá Trơơng và nước tương pha ớt thật ngon khó tả.
Món Thịt Trâu xào Lá Trơng: Thịt Trâu được thái mỏng ngang thớ,  ướp gia vị tiêu ớt tỏi và một chút dầu ăn. Làm nóng dầu rồi phi thơm tỏi, cho thịt trâu vào xào chín tái rồi xúc để riêng, cho thêm chút dầu ăn rồi tiếp tục cho hành tây vào xào,  hành tây chín tái thì cho thịt Trâu và lá Trơng vào đảo tiếp chừng 2 phút nữa là được. Lá Trơng (Lá Trơơng) có vị cay nhẹ và mùi thơm có tính ấm, chống hàn nên ăn vào những ngày mưa lạnh sẽ rất tốt, nhất là với những người hay bị lạnh hoặc người già hay bị đau khớp. Vị cay nhẹ của lá Trơng, hăng hăng của hành hòa quyện với cái ngọt của thịt Trâu non khiến món ăn trở nên hấp dẫn và vô cùng thơm ngon.



Lá Trơng (Trơơng)
Thịt Trâu xào Lá Trơng
Thịt Trâu Lá Trương là một trong những đặc sản Quảng Trị ngon và nổi tiếng, nếu đã đến đây bằng mọi giá bạn phải thưởng thức món này không thì coi như bạn đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một đặc sản nổi tiếng mà không phải nơi cũng có.
Tác giả bài viết: Văn Phong

BÁNH ÍT LÁ GAI

Tôi thường nghe bà nội mắng yêu những đứa cháu khi chúng tham ăn rằng “miếng ăn là miếng xấu”, lại có câu tục ngữ “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Cái ăn cái uống chỉ là nhu cầu thiết yếu để sống của con người, nhưng một khi đã đi vào ca dao tục ngữ thì nó trở thành lời dạy dỗ khuyên răn. Rộng hơn, đối với người đi xa thì nó thành ý niệm quê hương thổn thức trong từng nhịp thở.
Bánh ít lá gai
Người ta thương nhau trót lưỡi đầu môi, yêu nhau bằng lời nói chưa đủ mà phải nếm được bằng môi, được cắn vào nhau để tận hưởng. Trên chiếc môi xinh ấy từ những ngày rất nhỏ tôi đã được tẩm một thứ hương vị quà bánh quê mẹ, nên khi em cắn vào thì cũng như đã thấu được tấm lòng quê hương. Hôm nay tôi sẽ dẫn em về Quảng Trị, cùng nếm thứ bánh ít nhỏ nhoi. Nhỏ nhưng ngon lắm! Nhỏ nhưng trong đó đã gói trọn tất cả những ngọt-bùi-đắng-cay, cả tấm lòng quê hương em ạ!
1. Bóc vỏ chiếc bánh ca dao
Có một câu ca dao miền trung thế này:
“muốn ăn bánh ít lá gai
lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.”
Câu ca dao này của Bình Định nhưng lại có rất nhiều dị bản, chỉ cần thay tên địa danh vào là có ngay câu của quê hương mình. Tất nhiên, tên thay vào đó phải có hai chữ và có thanh trắc ở chữ thứ hai để hợp với niêm luật lục bát. Cái tên Quảng Trị ai cũng bảo là nặng, nặng như giọng nói miền trung trọ trẹ, nhưng lại gặp may trong trường hợp này. Và tôi lại đọc ca dao quê mình
“muốn ăn bánh ít lá gai
lấy chồng Quảng Trị sợ dài đường đi.”
Tôi đồ rằng câu ca dao dị bản này còn hay hơn câu nguyên gốc, vì chữ “Trị” lại hợp vần với chữ “đi” ở cuối nên nó làm cho vĩ thanh của câu được ngân lâu hơn, cái sự xa xôi về đường đi vì thế mà cũng được kéo giãn ra thêm.
“Lấy chồng” và “làm dâu” cùng một trường nghĩa, nhưng nếu hoán vị một tí thì câu ca dao lại thành ra một lời keo son thắm thiết. Lấy chồng chỉ là một việc của người con gái đến tuổi cập kê, nhưng làm dâu lại là bổn phận lâu dài của người phụ nữ sau khi lấy chồng. Nên nếu đọc “muốn ăn bánh ít lá gai/ làm dâu Quảng Trị sợ dài đường đi” thì lời nói ấy càng trở nên ý nghĩa hơn nữa. Nhưng em đừng có sợ, một liều ba bảy cũng liều/ đã thương sao ngại đường nhiều bước đi. Có xa ngái mấy mà ăn một miếng bánh ít Quảng Trị cũng đáng lắm! Không thế mà ngày trước Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã đóng dinh ở Ái Tử – Quảng Trị, cho lập một chợ ở ngã ba sông Thạch Hãn – Vĩnh Định, sau này người dân đặt tên là chợ Sãi, và chợ Sãi cũng là nơi có nghề bánh ít ngon nức tiếng.
Tại sao câu ca dao nói là “lấy chồng/ làm dâu” mà không là “lấy vợ/ làm chồng”?
Thứ nhất, về mặt chắt thanh chiết tự ta có thể bác bỏ ngay cặp từ này. Nếu đặt “lấy vợ” vào thì chữ “vợ” là thanh trắc sẽ làm sai luật câu lục bát. Nhịp thơ lục bát này là nhịp chẵn đều 2/2 nên các chữ ở vị trí chẵn nhất thiết không được sai luật về thanh điệu. Ca dao không có phá cách/cách tân nên dù có muốn tạo dị bản cũng phải tuân thủ niêm luật. Đấy là chắt thanh.
Về chiết tự, nếu  đặt chữ “lấy vợ” vào thì câu này lại vụng về nghĩa. Chữ “đi” trong câu ca dao vừa có nghĩa “đi tới nhà người ta”, vừa có nghĩa “đi về thăm nhà mình”, tức ”đi” là “đi lại”. Trong truyền thống dân tộc ta “con gái xuất giá tòng phu”, lấy chồng phải về ở nhà chồng, có muốn ở riêng hai vợ chồng thì cũng phải sống chung trong gia đình một thời gian cho đến khi sinh con đầu lòng. Vậy nên đời sống vợ chồng son thường trải qua trong gian đoạn đang ở chung với bố mẹ chồng. Điều này giải thích tại sao khi đi lấy chồng các cô gái hay khóc, lấy chồng càng xa khóc càng nhiều: bởi sợ khó về được để thăm cha mẹ đẻ. Ngược lại, con trai đi ở rễ rất ít, thường chỉ đối với những ai làm rễ ở các nhà không có nam tử thôi. Mà có đi làm rễ thì đàn ông rắn rỏi khoẻ chân, muốn về nhà mình khi nào chả được. Thế nên nếu nói “làm chồng Quảng Trị đường dài khó đi” thì rất buồn cười!
Thứ hai, về mặt xét nghĩa toàn bộ cặp câu ca dao, đưa chiếc bánh ít vào thì mới thấy cái ẩn ý của tác giả dân gian xưa thật đáo để. Bánh ít lá gai là loại bánh ngọt. Có nhiều nơi làm bánh ít nhân thịt đậu đỗ hoặc nấm thì bánh đó không làm từ lá gai mà từ bột nếp. Nhân bánh ít lá gai thường là đậu xanh bóc vỏ, nhân được trộn với đường nên khi bánh chín thì mật đường đã ứa ra toàn lớp lá gai nhồi. Bánh ít lá gai ngọt là vì thế. Chỉ con gái đàn bà thì mới thích đồ ngọt, trừ những khi đang mang thai là “có chửa thèm chua” thôi! Đàn ông con trai vốn trời sinh tính khí mệnh hoả, thích rượu chè, mà người thích rượu lại rất kén các món ngọt. Chính vì thế mà câu ca dao này phải dành riêng cho phái nữ.
Cũng như chiếc bánh ít đó tôi sẽ dành riêng để mời em mà không mời bạn. Các o các chị của tôi cũng không thể mời được người họ thương về Quảng Trị đâu, em ạ!
2. Về Quảng Trị làm bánh ít đi em !
Tôi đã lần theo lối sỏi truyền thống dân tộc, đòi cho được câu ca dao để mời em về Quảng Trị. Bây giờ thì hãy ngồi xuống đây, cởi chiếc áo choàng cho mát vì xứ gió lào cát trắng này khô khốc lắm, rồi cùng bắt tay vào làm thử chiếc bánh quê hương.
Trước hết phải ra ngoài vườn hái lá gai. Nhà tôi có con mương chảy lau lách bao vây một phía nên ở dọc lối ấy cây lá gai mọc lên rất tốt. Cây mọc lên thành dãy như một hàng rào cố hữu che chắn khuôn viên. Mà có cái lạ, tuy đất quê mình khắc khổ vậy, mùa đông mưa dầm lũ ngập đồng, mùa hè nắng cháy thiêu trụi cây, nhưng riêng lá gai thì vẫn xanh vẫn tươi quanh năm. Vậy nên em có về quê tôi thì không phải lo chết thèm bánh ít lá gai một ngày nào cả.
Lá gai có màu xanh non, nhìn vào như thể nó sẽ không bao giờ già đi. Lá cũng như em vậy đó, ăn chiếc bánh này vào sẽ trẻ xinh mãi. Chiếc lá gai trông hệt như hình trái tim của đôi lứa yêu nhau, hay hệt như một ngọn trầu. Phải vì điều này mà bánh ít luôn có trong những dịp cưới hỏi(?). Tôi mời em câu ca dao có chiếc bánh ít cũng với ý niệm se duyên trái tim ấy.
Nhớ ngày trước tôi còn học ở Huế, mỗi lần về nhà là mạ lại làm bánh ít để tôi mang vào biếu chủ nhà trọ, bạn bè. Ông nội thì tập nói cho tôi, rằng phải thưa lời “đây là cây nhà lá vườn, ba mạ nhủ con mang vào biếu để hai bác thử cho vui!”. Ừ! Thì đúng là cây nhà lá vườn thật đấy, nhưng mà ăn bánh ít Quảng Trị không thể ăn cho vui được, ăn một miếng là thèm thuồng rồi nhớ suốt đời. Vậy nên tôi vào thưa với nhà chủ “đây là cây nhà lá vườn, ba mạ nhủ con mang vào biếu để hai bác ăn cho biết!”. Cái chữ “cho biết” này nó thâm thuý hơn, biết tức là sẽ nhớ, sẽ không bao giờ quên.
Mạ tôi còn gói riêng một đùm, bảo cái này dành cho người yêu. Mặc dù tôi đã là sinh viên, như ngày trước gọi là cậu tú rồi đấy, thế nhưng nghe mạ nói thì cũng phải cười trong sự ngượng ngùng. Nhưng khi đứng trước em với đùm bánh ít ấy thì lại rất mạnh dạn, hình như bánh ít đã giấu giúp tôi một cái ngượng biết yêu. Còn bạn bè khi ăn thử một chiếc bánh thì khen lấy khen để, cứ bảo “bánh ít Quảng Trị cũng ngon hệt….con trai xứ đó vậy!”. Sau đó lần nào trước khi ra nhà bạn bè cũng đều nhắc nhủ phải mang bằng được bánh ít vào làm quà. Chỉ thế thôi!
Lá gai hái từ ngoài vườn đem vào được rửa sạch bằng nước giếng vài lần, vớt ra cho lên một chiếc rổ thưa để ráo nước. Trong lúc đó đun một nồi nước sôi bằng chiếc soong to. Mạ tôi nói đun nước luộc lá gai thì phải đun bằng rơm rạ vì lửa rơm có mùi khói đồng, mùi khói ấy sẽ lèn vào lá làm cho chiếc bánh đậm hương vị quê nhà hơn. Tôi thích nhất được vào bếp ngồi đun rơm với mạ trong một ngày đông hơi lạnh bùi bùi, khói lên quyện lấy mái nhà tranh những ngày còn nghèo khiến tôi thương chi lạ. Nhìn ánh lửa cháy ngặt nghèo vì thứ rơm ỉu năm đói, cùng với khói lên cay cay cứ như muốn làm tôi trào nước mắt. Ngồi đun nước luộc lá gai tôi cảm nhận được sự đắng cay đã đi vào trong tiền thân chiếc bánh ít ấy.
Nước sôi, cho lá vào luộc qua (tiếng Quảng Trị gọi là trụng) sao cho lá đừng chín nát đen. Sau đó vớt ra để trên chiếc rổ thưa hong một lúc cho ráo nước rồi dùng tay vắt vắt những nắm lá và cho vào cối đá. Công việc tiếp theo là quết lá. Tay cầm chày giã cối cho đến bao giờ lá nhuyễn ra thành một thứ bột quết nước thì cho thêm bột nếp vào, cùng với một ít đường và tiếp tục nện chày, gọi là lèn bột. Giã một lúc thì phải dùng vá (môi) đảo đều khối quết trong cối để tất cả lá và bột đều nhau, không có chỗ này nhuyễn chỗ kia xơ.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh bóc vỏ đem nấu cho chín nhừ ra. Để nguội, dùng đũa quấy cho đậu nát mịn rồi trộn đường vào cho ngọt và rắc dầu chuối vào cho thơm. Ngửi cái mùi đậu xanh được trộn dầu chuối là đã ứa nước miếng thèm ăn. Nhưng em chớ có vọc tay vào thử nhuỵ nghe chưa, vì mạ rất kỵ chuyện đó. Mạ nói con trai thử còn được, chứ con gái thử nhuỵ là bánh hỏng liền. Có lẽ đó chỉ là một quan niệm của dân gian ta ngụ ý con gái phải giữ ý giữ tứ, không ăn trước ngồi tót sỗ sàng mà thôi!
Bột bánh quết xong vắt ra từng mẩu nhỏ, nắn dẹt ra rồi dùng thìa cho nhân đậu xanh vào giữa, vo lại thành một khối tròn tròn bằng quả cau. Từ chiếc lá gai-hình trái tim, nắn ra thành chiếc bánh-quả cau đã là một câu chuyện tình mang đậm tính dân tộc. Những cái lăn tay xoa bánh sau khi vắt lại cũng điệu nghệ lắm! Tôi từng nhìn những bàn tay của các chị xoa bánh và nhận ra được nết dịu dàng mềm mại của người con gái thôn quê.
Bánh ít được gói bằng lá chuối, thứ lá thân thuộc rất đỗi quê nhà. Lá rọc ngoài nương vào được thấm khăn nước lau sạch, cắt thành từng miếng tròn cỡ như chiếc đĩa. Đặt mẩu bánh sau khi bọc nhân vào giữa miếng lá đó, cuộn lá theo chiều sao cho các sứa lá không bị gẫy để lá không rách. Bẻ quặt hai đầu xuống và gập lại, dùng một sợi dây chạc chuối buộc quanh để giữ nếp lá đã gói. Chiếc bánh lúc này ú lên thành một khối hình chóp tứ giác giống hình một nóc nhà bốn mái. Ngày trước ông bà ta làm nhà thường dựng nóc bốn mái vì với kiểu kiến trúc ấy thì có thể qua mùa mưa bão an lành. Cũng với kiểu hình bốn mái ấy thì chiếc bánh ít không bị dẹt hoặc méo mó đi khi hấp hơi.
Hấp bánh là kiểu chưng cách thuỷ. Ở nhà quê thường đặt ba cái chén vào đáy soong to, sau đó gác lên trên một chiếc nan liếp đan thưa rồi sắp bánh vào. Nước đổ vào chỉ vừa đủ lấy hơi xông, nhất thiết không được chạm tới đáy liếp. Đậy nắp nồi đun một hồi chờ bánh chín. Chiếc bánh khi chín lá vỏ màu có xanh thẫm. Khi đặt lên bàn thờ thì nhớ lột dây buộc đi. Sắp một dĩa bánh ít thì phải đủ và chỉ đúng sáu cái thôi.
* * *
Bánh ít dùng trước hết để thờ cúng tiên tổ trong những ngày lễ tết, huý kỵ. Rồi trong những việc hiếu hỷ: đám cưới mời cô bác một chiếc mừng duyên mới, ma chay ăn một miếng bánh ít phân ưu. Sau nữa bánh dùng làm quà cho người đi xa, mang theo như để thể hiện tấm lòng thơm thảo của người nhà quê…
Ăn một chiếc bánh ít răng có cảm giác dẻo dẻo; lưỡi có vị bùi của lá quết và vị ngọt của đường nhân; mũi ngửi được hương thơm của đậu đỗ xanh rắc dầu chuối; tai lắng nghe những tiếng nhai “chắp…chắp…” có vẻ khoái khẩu thèm thuồng; mắt nhìn chiếc bánh ít thì liên tưởng đến mái nhà, chợt nhớ tổ tiên qua câu gợi ca dao“ngó lên nuộc lạt mái nhà/ bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Tôi sẽ không kể nữa đâu, còn những dư vị của bánh ít thì hãy để em thưởng thức rồi sẽ biết. Hương vị quê nhà cũng như những câu ca dao về quê hương, có hát mãi vẫn không sao hết được. Riêng có câu ca dao này tôi xin mạn phép đổi một tí để thủ thỉ cùng em, rằng:
“muốn ăn bánh ít lá gai
lấy chồng Quảng Trị đường dài…sá chi”
Tùy bút của Hoàng Công Danh

QUẢNG TRỊ

Khái Quát Tỉnh Quảng Trị
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Quảng Trị là một tỉnh duyên hải, ở vào cực bắc của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền Bắc – Nam. Ở phía Bắc, Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế, phía Tây giáp nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với đường biên giới khoảng 206 km; phía Đông là biển với chiều dài là 75 km.
Ở vào vị trí trung độ của cả nước, Quảng Trị là nơi mang tính đặc thù về lãnh thổ, khí hậu của cả phía Bắc lẫn phía Nam; lại nằm trên các trục giao thông quan trọng cả về đường bộ và đường sắt. Đó là một vị trí thuận lợi cho quá trình xây dựng nền kinh tế - xã hội ổn định, hội nhập với khu vực và thế giới.
2. Đặc điểm địa hình
Diện tích Quảng Trị tuy không lớn nhưng địa hình lãnh thổ rất đa dạng, dốc từ Tây sang Đông tạo thành 4 vùng địa lý tự nhiên: biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Núi ở Quảng Trị có độ cao từ 250 m – 2.000 m xen kẽ với các dải đồi cao thấp khác nhau, ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam tạo ra Tây và Đông Trường Sơn.
3. Khí hậu
Điều kiện khí hậu ở Quảng Trị khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng, thường có bão và mưa lớn, biến động khí hậu mạnh. Do nằm trọn vẹn trong nội chí tuyến bắc bán cầu, hàng năm có hai lần mặt trời đi qua đỉnh nên lượng bức xạ cao: 70 – 80 kcalo/cm2/năm. Số giờ nắng trung bình là 1.700 – 1.800 giờ/năm, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 200C – 250C. Mùa mưa thường từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, tổng lượng mưa khoảng 2.000 – 2.700 mm/năm, độ ẩm trung bình tháng từ 85% - 90%.
Đặc trưng khí hậu ở Quảng Trị là gió Tây Nam khô nóng và bão lớn. Hàng năm tỉnh chịu từ 40 – 60 ngày khô nóng và nhiều cơn bão gây gió xoáy giặt kèm theo mưa lớn.
Về điều kiện thuỷ văn: Quảng Trị có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ trung bình 0,8 – 1 km/km2. Các sông ngòi ở đây đều ngắn, dốc, chảy từ Tây sang Đông. Tổng diện tích lưu vực khoảng 3.640 km2, tổng chiều dài các con sông tới 1.085 km. Tỉnh có 3 hệ thống sông chính cùng nhiều phụ lưu khác có lưu lượng dòng chảy lớn. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các hồ chứa và thuỷ điện. Ước tính trữ lượng thuỷ điện của sông Bến Hải đạt 834 triệu kWh, sông Mỹ Chánh: 376 triệu KWh.
Ngoài ra, lượng nước ngầm của tỉnh khá lớn và có chất lượng tốt đủ để cấp nước sinh hoạt và sản xuất; hệ thống hồ - đầm – phá phân bổ rải rác khắp các vùng là điều kiện tốt phát triển ngư nghiệp.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Diện tích đất tự nhiên của Quảng Trị 474.577 ha. Đất đai ở Quảng Trị vừa đa dạng vừa phức tạp, phân bổ từ ven biển đến đồi núi cao, trong đó 79,8% diện tích là đồi núi. Tiềm năng về đất đai của Quảng Trị còn khá lớn với 4. 754,73 km2 ha chưa sử dụng.
Nhìn chung có thể phân chia đất đai ở Quảng Trị theo 10 tiểu vùng và 10 loại đất chính với đặc điểm riêng về khí hậu, thuỷ văn và thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau.
2. Tài nguyên rừng
 Rừng Quảng trị đa dạng và phong phú, được che phủ bằng kiểu rừng kín thường xuyên mưa ẩm nhiệt đới, tổ chức thành loài, bao gồm cây lấy gỗ, dược liệu, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Đất lâm nghiệp có 344.201 ha, trong đó đất có rừng 172.709 ha (bao gồm rừng tự nhiên 109.894 ha, rừng trồng 62.815 ha) và trồng 171,492 ha
3. Tài nguyên khoáng sản
Quảng Trị có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng và phong phú. Đến cuối năm 1995, tỉnh đã thống kê được 48 mỏ và điểm quặng, trong đó 17 điểm thuộc nhóm kim loại, 22 điểm thuộc nhóm vật liệu xây dựng…
Các mỏ đá vôi và nguyên liệu sản xuất xi măng kéo dài theo hướng tây Bắc – Đông Nam, trữ lượng đạt khoảng 3,5 tỷ tấn. Khoáng titan phân bố dọc bờ biển Vĩnh Thái – Vĩnh Kim với trữ lượng đạt 1 triệu tấn. Bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều loại khoáng sản quý như vàng, ăngtimoan; nguồn nước khoáng và cát thuỷ tinh tương đối lớn…là lợi thế lớn cho ngành công nghiệp của Quảng Trị.
III.Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch
Quảng Trị có một hệ thống di tích lịch sử, văn hoá như: thành cổ Quảng Trị, hàng rào điện tử Macnamara, Nhà thờ La Vang, làng địa đạo Vĩnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, làng Vây, sân bay Tà Cơn, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… và các quang cảnh thiên nhiên đẹp như bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thuỷ, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, suối nước nóng Đakrong, đảo Cồn Cỏ anh hùng… mở ra triển vọng cho ngành du lịch hồi tưởng, du lịch sinh thái
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Trị có khả năng phát triển cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, cà phê. Sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng…); chế biến nông – lâm - sản và thương mại.

Suối Nước Khoáng Nóng Thanh Tân

Khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Thanh Tân ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là một khu nghỉ dưỡng hết sức lý tưởng. Ở đầu nguồn, nước khoáng nóng đến 68ºC, luộc chín trứng gà. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, bộ đội bị thương được đưa về khu suối nước khoáng nóng này để điều trị vết thương rất mau lành. Bác sĩ Dướng Quát, một trong những người từng chữa trị vết thương cho bộ đội bằng nước khoáng nóng đã kể lại như vậy. 
Bây giờ, trên cơ sở suối nước nóng đó, Công ty nước khoáng thiên nhiên Thanh Tân đã đưa vào khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng này. Những ngày hè, có lúc du khách đông đến hàng nghìn người, trên khắp mọi miền đất nước đều đến đây nghỉ dưỡng. Ngoài hệ thống ao, suối nước nóng thiên nhiên, còn có hệ thống hồ bơi, hồ tắm nằm ẩn mình giữa những giàn phong lan rất thơ mộng. Trên hồ tắm có hệ thống nhà nghỉ được xây dựng bằng nhà tranh, nhà xây kiên cố phục vụ theo nhu cầu của du khách. Sau khi ngâm tắm xong, du khách có nhu cầu thì được tham gia chương trình luyện tập thể dục dưỡng sinh, thể dục dụng cụ, xông hơi nước khoáng... hết sức hấp dẫn. Một hệ thống nhà bếp phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay tại chỗ cũng như dài ngày cho du khách có nhu cầu ở lại nghỉ ngơi và điều dưỡng.

Ca Huế

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, Việt Nam, bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát ả đào.
Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền phát tán thành một dòng dân gian chuyên nghiệp là hát Ả đào và vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế.
Ca Huế mang sắc thái địa phương rõ nét bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm ngữ điệu của giọng nói xứ Huế, hoặc nói một cách khác mang tính hệ quả là do mối quan hệ gắn bó với nền âm nhạc dân gian - dân ca xứ Huế. Đây là một đặc điểm trong tiến trình phát triển của Ca Huế và cũng là một đặc điểm của nền âm nhạc cổ truyền xứ Huế; nơi mà hai thành phần âm nhạc: chuyên nghiệp bác học (nhã nhạc Cung đình, ca Huế), thành phần dân gian (dân ca: hò, lý...) thường xuyên tác động qua lại, gắn bó, thâm nhập, thúc đẩy lẫn nhau với hiện tượng dân gian hóa ở âm nhạc bác học và bác học hóa ở âm nhạc dân gian xảy ra liên tục trong quá trình phát triển.
Dù Ca Huế mang rõ nét tính chất đặc thù địa phương nhưng nó đã không chỉ bó hẹp trong một xứ Huế. Ngoài yếu tố đặc thù và một số đặc điểm vốn có của mọi thể loại nhạc cổ truyền thì nghệ thuật Ca Huế vẫn là khởi nguyên từ văn hóa nghệ thuật cội nguồn Thăng Long, hội tụ từ truyền thống văn hóa âm nhạc dân tộc. Vì vậy trong giai đoạn thịnh đạt đã lan tỏa trở lại với cội nguồn, thâm nhập và trở thành một thành phần tương hợp trong hầu hết dân ca vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Chẳng hạn: hơi Huế, giọng Lý, giọng Kinh ở khối giọng Vặt, giọng Ngoại trong hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Chèo v.v. Hướng phát triển về phía Nam của Ca Huế thì rõ ràng đã sản sinh ra lối nhạc tài tử như nhà nghiên cứu Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét: "lối "nhạc tài tử" trong Nam là con đẻ của lối "ca Huế" miền Trung".
Nói là Ca Huế gắn với ngữ âm của giọng nói Xứ Huế, mà giọng Huế thì không chuẩn như Hà Nội trong vấn đề xử lý các dấu giọng, nên với đặc tính "cạn và hẹp" giọng nói Huế đã để lại dấu vết trong đường nét giai điệu Ca Huế một tính chất đặc hữu, khác với dân ca nhạc cổ từ đèo Ngang trở ra và từ Hải Vân trở vào. Tuy vậy một số nhà nghiên cứu còn căn cứ vào sự giao thoa ảnh hưởng của các truyền thống văn hóa khác trong lịch sử văn hóa Việt Nam cho rằng: điệu Nam trong ca Huế do ảnh hưởng nhạc Chăm mà có.
Ca Huế không phải là nhạc cung đình triều Nguyễn nhưng cũng không thuộc loại nhạc dân gian". Với một hệ thống bài bản phong phú, cấu trúc phức tạp nhưng chặt chẽ, hoàn chỉnh; những sắc thái tình cảm tinh tế cùng với những đòi hỏi khá phức tạp đối với ca công về cách hát, đối với nhạc công về kỷ thuật diễn tấu nhạc cụ, nên ca Huế thuộc về phạm trù âm nhạc cổ điển, bác học.
Ca Huế có điệu thức Bắc và bốn sắc thái (quen gọi là hơi): hơi quảng, hơi đảo, hơi thiền, hơi nhạc, có điệu thức Nam và bốn sắc thái: hơi xuân, hơi thương, hơi ai, hơi oán. Giữa hai điệu thức Bắc và Nam có một sắc thái trung gian: hơi dựng.
Ca Huế là một thể loại nhạc hát mang nhiều yếu tố chuyên nghiệp về cấu trúc và phong cách biểu diễn, nhưng về nội dung âm nhạc của nó thì bộ phận đặc sắc nhất lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của Hò, Lý dân gian.
Ca Huế mặc dù xuất phát tại cung đình nhưng nguồn gốc lại gắn bó với dân gian. Có thể nói rằng, trong nền âm nhạc cổ truyền Huế thì ca Huế - bộ phận thứ hai của dòng bác học - là nhịp cầu nối giữa cung đình và dân gian.

Lăng Gia Long

-        Giới thiệu khái quát
Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng nằm trong dãy núi Thiên Thọ, thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế 16km.
Lăng Gia Long là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Kiến trúc lăng có vẻ đơn sơ nhưng hoành tráng.
Ðến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng, hoặc đi theo đường bộ chừng 16km, xuống bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số nữa thì tới.
Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn, nhỏ, trong đó có Ðại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.
Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng, hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng, báo hiệu khu vực lăng.
Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng, rộng lớn. Trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Bên trái có 14 ngọn núi làm "tả thanh long" và bên phải có 14 ngọn làm “hữu bạch hổ”.
Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:
-      Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi.
-        Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất
-      Bên trái khu lăng là Bi Ðình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia Thánh đức thần công của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ.
Tiểu sử vua Gia Long
Nguyễn Phúc Ánh, tên húy là Chủng, sinh năm Nhâm (1762), con thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Luân. Năm 1773, Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Phúc Ánh 12 tuổi, theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Mùa thu năm Ðinh Dậu (1777) Nguyễn Phúc Thuần tử trận, Nguyễn Phúc Ánh một mình chạy thoát ra đảo Thổ Chu, rồi sau chạy sang ẩn náu nhờ bên đất Xiêm.
Tháng 7/1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản còn ít tuổi, Nguyễn Ánh tổ chức tấn công và đến tháng 7/1802, Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Gia Long đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế) và đặt tên nước là Việt Nam.
Lần đầu Gia Long quản lý một nước Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, Gia Long chia cả nước làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc thành gồm 11 trấn (5 nội trấn và 6 ngoại trấn); từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Ðịnh thành gồm 5 trấn; ở quãng giữa là các trấn độc lập: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Ðịnh, Phú Yên, Bình Hoà, Bình Thuận, đất kinh kỳ đặt 4 doanh: Trực Lệ Quảng Ðức Doanh (tức Thừa Thiên), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh.
Ðể tránh lộng quyền, Gia Long không đặt chức Tể tướng, triều đình chỉ có 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công do các thượng thư đứng đầu và có tả hữu tham tri, tả hữu thị lang giúp việc. Ở trong cung, không lập ngôi Hoàng hậu, chỉ có Hoàng Phi và các cung tần.
Năm 1815, bộ “Quốc triều hình luật” gồm 22 quyển với 398 điều luật đã được ban hành.
Ngày Ðinh Mùi tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), Gia Long mất, thọ 59 tuổi, ở ngôi chúa 25 năm, ở ngôi vua 17 năm.
-        Quá trình xây dựng Lăng
Cũng vì quá sâu sắc với công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.
-           Giá trị
Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến thăm lăng, du khách được thả mình trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như vinh nhục của ông vua đầu triều Nguyễn. Dù hết sức cố gắng của trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế nhưng xem ra di tích không mấy thu hút khách tham qua , một phần do điều kiện xa xôi, một phần giá trị về mặt kiến trúc còn thua kém các lăng Tự ĐứcLăng Khải Định lăng Minh Mạng nên thật sự chưa thu hút du khách.
-        Miêu tả chi tiết
-        Khu Lăng Tẩm
Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:
-        Khu Lăng Mộ
Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”, bởi người ta cho rằng: “Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản” (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa.
-        Khu Bi Đình
Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
-        Lăng lận cận
Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, du khách thả bước dưới bóng thông tươi mát để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn - vua Minh Mạng.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm” .

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định hay Ứng Lăng thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Tp. Huế 10km.
Lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng công phu, lộng lẫy hơn; kết hợp tinh xảo hai nền kiến trúc, văn hoá Đông - Tây.
Lên ngôi năm 1916, vua Khải Ðịnh chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách Huế 10km để xây dựng lăng mộ. Lăng khởi công ngày 04/9/1920 và kéo dài 11 năm mới hoàn thành.
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Ðịnh có diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nó là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á - Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.
Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc.
Vào lăng phải vượt qua hệ thống của 37 bậc với thành bậc đắp rồng to lớn nhất cả nước, trên sân có hai dãy Tả - Hữu tòng tự, ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp, tám mái, song các vì kèo lại bằng xi măng cốt thép.
Vượt 29 bậc nữa lên tầng sân bái đình, ở giữa có nhà bia Bát giác xây bê tông cốt thép hoà trộn cổ kim, trong đó có bia đá. Hai bên sân, mỗi bên có 2 hàng tượng cùng nhìn vào giữa sân. Ngoài tượng như ở các lăng khác, còn có thêm 6 cặp tượng linh túc vệ, từng đôi tượng cùng loại ở cạnh nhau được làm đối xứng và cùng đối xứng với đôi tượng phía đối diện. Các tượng này làm bằng chất liệu đá hiếm trong lăng Khải Ðịnh và đều có khí sắc. Hai cột trụ biểu cao to.
Qua 3 lớp nền là đến điện thờ. Từ sân lên cửa điện còn phải qua 15 bậc nữa.
Ðiện Khải Thành là phòng chính của cung Thiên Ðịnh, có nhiều phòng liên hoàn. Các điện tường phẳng được trang trí dày đặc bằng nghệ thuật khảm kính sứ. Cùng với tranh trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ Cửu long ẩn hiện trong mây. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật.
Phòng sau của điện Khải Thành là chính tẩm có đặt tượng vua Khải Ðịnh, mộ phần ở phía dưới. Trong cùng là khán thờ với bài vị của vị vua đã quá cố.
Lăng Khải Ðịnh thực sự là một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế.
-
   Tiểu sử vua Khải Định 
Vua Khải Ðịnh (1916 - 1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31.
Khải Ðịnh tên là Nguyễn Phúc Bửu Ðảo, là con trai duy nhất của vua Ðồng Khánh. Sau khi vua Duy Tân bị đày đi Phi Châu, Bửu Ðảo lên ngôi và lấy niên hiệu là Khải Ðịnh. Từ khi lên ngôi, ông đã say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm của bản thân và Hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Ðịnh, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Ðức. Ðặc biệt là Ứng lăng (lăng của Khải Ðịnh). Khải Ðịnh trị vì được 9 năm thì băng hà (1925), thọ 40 tuổi. 

LĂNG TỰ ĐỨC

-        Giới thiệu tổng quát
Lăng Tự Ðức hay Khiêm Lăng tọa lạc tại xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích 475ha. Khác với các lăng được xây dựng cân đối, lăng Tự Đức được xây dựng phóng khoáng, hài hoà với thiên nhiên có sẵn phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.
Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
-   Tiểu sử vua Tự Đức
Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Thì . Ông là con thứ hai của vua Thiệu Trị và bà quí phi Phạm Thị Hằng, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu, tức 22 tháng 9 năm 1829. Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi, 1847, theo di chiếu của vua Thiệu Trị.
Vì Tự Đức là con thứ hai của vua Thiệu Trị, nên việc truyền ngôi cho ông đã gây nên một bi kịch trong hoàng tộc. Anh trai của Tự Đức là Hồng Bảo, tuy lớn hơn nhưng lại là con vợ thứ, bị vua Thiệu Trị nhận định là người ít học, ham chơi nên đã truyền lại ngôi cho Tự Đức.
Ngày Hồng Nhậm lên ngôi, Hồng Bảo uất ức ngất đi ở giữa triều đường. Sau đó Hồng Bảo âm mưu cùng một số người lấy lại ngai vàng. Hồng Bảo tung nhiều tin tức nói xấu Tự Đức, người ta ngờ Tự Đức không phải là con vua Thiệu Trị, mà chính là con của Trương Đăng Quế được đánh tráo để họ Trương chiếm ngai vàng. Âm mưu của Hồng Bảo bị bại lộ, Hồng Bảo bị hạ ngục và bị kết án tử hình.
Tự Đức tha cho anh trai nhưng cho lệnh giam lại. Về sau Hồng Bảo thắt cổ tự tử trong tù (có sách viết là bị ép uống thuốc độc) năm 1854. Cái chết của Hồng Bảo trở thành một nghi án. Vua Tự Đức sợ sau này sử không chép đúng sự thật nên tự kể lại cuộc đời của mình và cho khắc vào bia đá lớn. Ngày nay bia đá này vẫn còn ở trong lăng Tự Đức.Tự Đức là một người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Ông làm nhiều thơ chữ Hán, trong đó có bộ Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trǎm nhân vật trong lịch sử Việt Nam.
Tự Đức làm cả thơ chữ Nôm, những tập như Luận Ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca. Có rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện ông giao thiệp với các nhà vǎn, các học giả đương thời. Ông rất thích lịch sử, đã chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, trong đó tự ông ghi nhiều lời bình luận.
Tự Đức rất yêu nghệ thuật, đã tập trung về kinh đô Huế nhiều người soạn kịch bản tuồng, và cho soạn những vở tuồng lớn như Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy. Tự Đức được người đời ca ngợi là ông vua có hiếu. Dù làm vua, ông luôn luôn kính cẩn, vâng lời mẹ dạy. Ông ghi chép các lời rǎn của mẹ vào một cuốn sách đặt tên là cuốn Từ huấn lục. Thậm chí khi thấy mình phạm tội, ông còn nằm ra, đặt roi trên chiếc mâm son để chờ bà Từ Dũ trừng phạt.
Tự Đức cũng được đánh giá là một vua tốt, chăm chỉ xem xét mọi việc triều chính không hề trễ nải, và được các quan trong triều nể phục.
Tự Đức còn là ông vua nhu nhược, hèn nhát. Ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc để mất Nam kì Lục tỉnh, Bắc kì dẫn đến mất cả nước về tay Thực dân Pháp sau này. Quân Pháp đến đến lúc đánh lúc hàng, gặp việc không quả quyết, lại nghe lời phái chủ hòa nên nhiều lần ra lệnh quan quân thoái lui.
Tự Đức lên làm vua trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn và phức tạp. Thiên tai liên tiếp: hạn hán, bão lụt, nạn châu chấu phá hoại mùa màng. Sau sự việc Hồng Bảo đã xảy ra vụ loạn Chày Vôi. Đoàn Hữu Trưng là rể của Tùng Thiện vương (tức là em rể họ của Tự Đức) đã nổi lên gây cuộc binh biến nhằm lập Hoàng tôn Ưng Đạo, con của Hồng Bảo lên ngôi. Tự Đức suýt bị giết và sau khi dập tắt cuộc bạo loạn, ông đã cho xử tử cả nhóm Đoàn Trưng và mẹ con Ưng Đạo (là chị dâu và cháu của ông).
Sau đó trong nước còn xảy ra nhiều vụ loạn lạc khác. Phía Bắc, có cuộc nổi lên của Lê Duy CựCao Bá Quát. Nhóm khởi nghĩa cùng lúc có nạn châu chấu phát sinh phá hoại mùa màng, nên người ta cũng gọi là giặc châu chấu. Tiếp theo đến giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng, gọi chung là giặc Tam Đường. Triều đình đã phải rất vất vả mới dẹp được.
-    Quá trình xây lăng
Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn , là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.
Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm võ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới mất.
-        Toàn cảnh lăng
Trong vòng La thành rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp cao thấp hơn nhau chừng 10m. Nhưng, các hệ thống bậc cấp lát đá thanh, các lối đi quanh co lát gạch Bát Tràng đã nối tất cả các công trình kiến trúc lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi.
Qua khỏi Khiêm Cung Môn, cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao, người ta bước vào một hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ và các công trình kiến trúc phụ thuộc.
Tòa ngang dãy dọc nơi đây đã được dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng thỉnh thoảng lên ở lại vui chơi. Minh Khiêm Ðường - nhà hát cổ xưa và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí. Ðiện Hòa Khiêm - nơi thờ đế và hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời.
Nếu nhà cửa ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì tất cả các công trình kiến trúc ở khu vực lăng mộ bên kia đều được xây bằng gạch, đá. Ðáng để ý nhất là tấm bia lớn nhất Việt Nam cao chừng 5m, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố với cột to, vách dày và xây cửa cuốn. Các nhà kiến trúc đã cho xây Bi đình bằng vật liệu và kiểu thức như vậy là dùng để chống chọi với thời gian. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch và chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngắt, reo vi vu suốt bốn mùa.
Ngoài ra, hệ thống tháo thoát trong toàn lăng tẩm đã được thiết kế, xây dựng một trình độ cao, và lưu thông rất tốt. Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Ðức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình: không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc trong từng khu vực ở lăng Tự Ðức đã phá bỏ hệ thông lệ giữ gìn sự đối xứng từng cổ điển ở một số lăng khác. Tại đây còn có những lối đi uốn lượn mềm mại theo thế đất tự nhiên hoặc do bàn tay con người tạo dáng. Ðường nét kiến trúc thật phóng khoáng, hài hòa thiên nhiên có sẵn, hoặc cải tạo lại cho phù hợp với nghệ thuật kiến trúc phong cảnh.
Nếu phá vỡ sự đối xứng cũng là một nét đẹp trong nghệ thuật thì lăng Tự Ðức có thêm nét đẹp đó. Kiến trúc và thiên nhiên ở đây gây được nhiều cảm xúc thẩm mỹ mới lạ cho người đến tham quan, và phản ánh được tâm hồn lãng mạn trữ tình của một ông vua thi sĩ.
Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một "hồn êm thơ mộng".

TOUR MIỀN TRUNG PHỔ BIẾN

THÔNG TIN CHUYỂN KHOẢN

TÊN TÀI KHOẢN

SỐ TÀI KHOẢN

NGÂN HÀNG

DZOÃN TIẾN ĐẠT

182086999

ACB – Phòng GD Thanh Đa

DZOÃN TIẾN ĐẠT

4214 9435 1428 4673

ACB – TP.Hồ Chí Minh

DZOÃN TIẾN ĐẠT

190 24477236 001

TECHCOM BANK BÌNH THẠNH

DZOÃN TIẾN ĐẠT

711A 21 56 12 02

VIETIN BANK CHI NHÁNH 4

DZOÃN TIẾN ĐẠT

04001012919753

MARITIME BANK - CN HCM

DZOÃN TIẾN ĐẠT

0531002465645

VIETCOMBANK – CN ĐÔNG SÀI GÒN

Công Ty TNHH Du Lịch Đồng Hành Việt Sài Gòn

060054459141

SACOMBANK – CN BÌNH THẠNH

1.Thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tới tài khoản của ngân hàng Dong Hanh Viet Saigon Travel như sau: (khách hàng chịu phí chuyển khoản Ngân hàng)

2. Việc thanh toán được xem là hoàn tất khi Dong Hanh Viet Saigon Travel nhận được đủ tiền trước lúc khởi hành 3 ngày (ngày làm việc) hoặc theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên.

3. Bất kỳ mọi sự thanh toán chậm trễ sẽ dẫn đến việc tự động hủy bỏ việc đăng ký chương trình du lịch (khách lẻ) và giải quyết theo hợp đồng đã ký (khách đoàn).